Thứ Tư, 10 tháng 8, 2011
Nỗi đau mang tên Vàng
Quyết định nhập khẩu là liều thuốc an thần cho thị trường đang trong cơn hoảng loạn. Nhưng liều thuốc đó quả khó nuốt khi Việt Nam sẽ phải chịu lỗ hàng chục triệu đôla để nhập lại số vàng ồ ạt xuất đi dưới dạng trang sức trá hình mấy tháng trước.
Nhiều người không biết gì về vàng cũng bị cuốn vào cơn loạn giá ngày 8 và 9/8.
Nhiều người không biết gì về vàng cũng bị cuốn vào cơn loạn giá ngày 8 và 9/8.
Cơn "điên" đẩy giá vàng tăng gần 5 triệu đồng một lượng sau hai ngày qua gần như lặp lại kịch bản của tháng 11/2009 và tháng 10/2010. Từ chỗ nhích dần, nhích dần theo thế giới, giá vàng miếng SJC - thương hiệu đang chiếm hơn 90% thị phần trong nước, bỗng chốc tăng với biên độ hàng triệu đồng trong một ngày và chỉ kết thúc khi có tuyên bố chính thức của Ngân hàng Nhà nước về việc cho phép nhập vàng để tăng nguồn cung.
Nhưng, có một điểm khác quan trọng, đó là đất nước và con người Việt Nam, vốn đang oằn mình với những khó khăn nội tại của nền kinh tế, lại phải gánh thêm thua thiệt bởi cái thứ chỉ để cất giấu của nả chứ không thể đẽo ra mà ăn hằng ngày.
Diễn biến thế giới là nguyên nhân đầu tiên châm ngòi cho đợt sốt giá vàng trong nước. Khi thông tin đầu tiên về nguy cơ Mỹ vỡ nợ phát đi vào tuần đầu tháng 4, giá vàng thế giới vẫn quanh quẩn dưới 1.480 USD một ounce, và vàng SJC của Việt Nam ngấp nghé 37 triệu đồng một lượng. Phải mất hơn một tháng, giá vàng thế giới mới lên 1.540 USD một ounce, và vàng SJC vượt qua 38 triệu đồng.
Diễn biến giá vàng thế giới từ đầu tháng 4, khi Chính phủ Mỹ đề xuất nâng giới hạn nợ công nhằm tránh nguy cơ vỡ nợ.
Diễn biến giá vàng thế giới từ đầu tháng 4, khi Chính phủ Mỹ đề xuất nâng giới hạn nợ công nhằm tránh nguy cơ vỡ nợ.
Thị trường vẫn đủng đỉnh nhích từng bước cho tới giữa tháng 7, khi mâu thuẫn nội bộ nước Mỹ trở nên tồi tệ hơn trước hạn chót vỡ nợ. Khi các nghị sĩ hai đảng Cộng hòa và Dân chủ mải lo phô diễn quan điểm chính trị của mình, cũng là lúc giá vàng thế giới tăng mạnh và dồn dập hơn trước. Mốc cản 1.600 USD một ounce dễ dàng bị vượt qua trong ngày 18/7, còn tại Việt Nam, giá vàng SJC bắt đầu cản mốc 40 triệu đồng vào ngày 27/7, 3 ngày trước phiên bỏ phiếu mang tính lịch sử tại Quốc hội Mỹ để nâng giới hạn nợ công.
Tổng thống Barack Obama cuối cùng cũng giành được sự đồng thuận của hai đảng và Hạ viện chính thức thông qua dự luật nâng giới hạn nợ công hôm 1/8, cho phép Chính phủ Mỹ vay mượn thêm 2.400 tỷ USD so với giới hạn cũ là 14.300 tỷ USD.
Tuy nhiên, vào đúng ngày ông Obama ký duyệt đạo luật, giá vàng thế giới không những không đi xuống mà còn tăng tốc mạnh mẽ hơn, cho thấy mối lo của giới đầu tư không chỉ là câu chuyện nâng giới hạn nợ, mà là sự bất ổn của nền kinh tế lớn nhất thế giới khi các đảng phái ganh đua nhau trước kỳ bầu cử. Trong ngày 2/8, giá vàng thế giới vượt 1.650 USD một ounce. Bước sang 3/8, giá vàng SJC tăng gần 1 triệu đồng lên 41 triệu đồng một lượng và bắt đầu bỏ xa giá thế giới sau nhiều tháng rẻ hơn.
Việc hãng xếp hạng Standard & Poor's tước điểm ưu AAA của Mỹ vào ngày cuối tuần trước lại giáng thêm một đòn vào tâm lý đã quá bi quan của giới đầu tư, và sớm vẽ ra cảnh hỗn loạn của thị trường tài chính toàn cầu đầu tuần này. Sau hai ngày, hàng nghìn tỷ đôla đã bốc hơi khỏi thị trường chứng khoán thế giới, các chỉ số rớt điểm hàng loạt. Giới đầu tư ồ ạt chọn vàng là nơi trú ẩn an toàn trước "siêu bão" tài chính. Giá vàng thế giới chỉ sau hai ngày đầu tuần đã tăng hơn 130 USD, chạm kỷ lục gần 1.780 USD trong ngày 9/8.
Giới chuyên gia nhìn nhận, giá vàng thế giới thời gian qua tăng nóng ngoài mối lo về sức khỏe nền kinh tế Mỹ cũng như khủng hoảng nợ công châu Âu, còn có bàn tay thao túng của các quỹ đầu tư. Đặt cược vào khả năng khủng hoảng nợ công châu Âu chưa thể giải quyết và kinh tế Mỹ sẽ còn nhiều rối ren trước kỳ bầu cử tháng 11 năm sau, nhiều tháng qua, các quỹ đầu tư đã tháo chạy khỏi đồng đôla Mỹ và euro để tìm đến những đồng tiền được cho là an toàn hơn như đôla Australia, real Brazil hay yen Nhật. Và đến khi Australia, Brazil hay Nhật Bản không đủ sức hấp thu hết, dòng vốn nóng này đổ dồn vào vàng với động thái ào ạt đánh lên của giới đầu cơ.
Tuy nhiên, những vấn đề nội tại nền kinh tế Việt Nam mới là tác nhân quan trọng nhất khiến giá vàng trong nước lên cơn điên loạn hai ngày qua.
Diễn biến giá vàng SJC.
Từ tháng 4 đến 9/8, giá vàng SJC đã tăng gần 10 triệu đồng một lượng.
Đóng cửa tuần trước, vàng SJC mới giao dịch ở 41,7-41,8 triệu đồng một lượng. Nhưng chỉ sau một tiếng đầu ngày 8/8, giá đã vọt qua mốc 44 triệu đồng. Nếu như sáng 8/8, chỉ có người Hà Nội đội mưa đi mua vàng thì đến sáng 9/8, cơn hoảng loạn đã lan tới TP HCM.
Và ngay cả khi giá vàng SJC lên 46,3 triệu đồng một lượng, đắt hơn thế giới gần 2 triệu đồng, người ta vẫn bảo nhau rút tiền tiết kiệm để mua.
Các doanh nghiệp có uy tín và ngay cả Ngân hàng Nhà nước đều khẳng định các thế lực đầu cơ đã thao túng đẩy giá tăng nhanh hơn thế giới. Số đông các nhà đầu tư nhỏ lẻ, mà chủ yếu là các bà nội trợ, các cụ về hưu và dân văn phòng lương ba cọc ba đồng, đều tin giá vàng còn lên cao hơn theo diễn biến thế giới và lạm phát tăng cao trong nước. Tranh thủ tâm lý kỳ vọng này, giới đầu cơ đã dùng kỹ thuật bẫy giá để kích thích nhu cầu mua gom, đồng thời tạo dư địa lợi nhuận khổng lồ khi nhập vàng theo đường tiểu ngạch.
Những bất cập trong cơ chế điều hành xuất nhập khẩu vàng là nguyên nhân sâu xa khiến các thế lực đầu cơ được dịp hoành hành hai ngày qua. Trong khi nhập khẩu bị hạn chế bởi cơ chế hạn ngạch khắt khe một năm cấp đôi lần thì cửa xuất khẩu lại gần như bỏ ngỏ. Về mặt hình thức, vàng nguyên liệu bị cấm xuất khẩu, nhưng doanh nghiệp vẫn có thể xuất nữ trang trá hình và hưởng thuế suất 0%.
Thành tích xuất khẩu 30 tấn vàng để thu về hơn 1,2 tỷ USD trong gần 7 tháng đầu năm và giúp làm đẹp cán cân thương mại, giờ đây không chỉ khiến thị trường khan hiếm nguồn cung, mà còn có thể làm thất thoát hàng chục triệu đôla khi Nhà nước phải cho nhập khẩu trở lại để bình ổn thị trường.
Theo tính toán của ông Trần Thanh Hải, Tổng giám đốc Công ty Đầu tư và Kinh doanh vàng Việt Nam, nếu nhập 5 tấn vàng về ngay lúc này, khoản lỗ dự tính là 20 triệu đôla. Và để nhập lại toàn bộ 30 tấn đã xuất đi, thiệt hại lớn hơn thế 6 lần.
Trong canh bạc này, giành phần thắng lớn nhất chính là những tổ chức quốc tế đã âm thầm thu gom nữ trang chất lượng cao của Việt Nam, để giờ đây đang nấu lại thành vàng nguyên liệu bán cho các nước.
Doanh nghiệp kinh doanh vàng Việt Nam cũng được lợi một phần, nhưng họ chua chát thừa nhận chỉ được lãi vài chục nghìn đồng mỗi lượng để rồi tự biến mình thành công cụ thu gom cho các đầu mối xuất khẩu.
Số ít người dân cũng được lợi khi mua vàng giá thấp rồi đón được sóng để bán với giá cao. Nhưng cũng có nhiều người không am hiểu thị trường, đầu tư theo đám đông để rồi trở thành nạn nhân của việc mua đắt bán rẻ.
Các tổ chức, cá nhân từng vay mượn bằng vàng giờ phải đau đớn cắt lỗ ở giá cao là những người đầu tiên chịu thiệt thòi.
Nhưng chịu thiệt lớn nhất chính là Nhà nước. Hàng chục triệu đôla thua thiệt vì xuất giá rẻ rồi nhập lại với giá cao trong khi cả thế giới đang tích cực thu gom vàng chỉ là một phần trong sự mất mát đó.
Những ngày tới đây, nếu giá vẫn còn căng thẳng, Ngân hàng Nhà nước sẽ chính thức cấp quota nhập khẩu cho doanh nghiệp. Và trong hàng tấn vàng nhập về này, có thể có cả những chiếc kiềng cổ, những con trâu mỹ nghệ đã được các doanh nghiệp Việt Nam xuất đi trong 7 tháng vừa qua.
Song Linh
Nguồn:
http://vnexpress.net/gl/kinh-doanh/2011/08/noi-dau-mang-ten-vang/
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)