Cùng một ngày ra báo, trong khi hàng hoạt các tờ báo lớn đưa tin* Trung Quốc yêu cầu các nhà sản xuất phim và chương trình truyền hình hạn chế hình ảnh hút thuốc trên màn ảnh, thì một "cơ quan ngôn luận" của ngành công nghiệp - báo Công Thương lại vẫn "bổn cũ soạn lại": "Công ty thuốc lá khẳng định uy tín, thương hiệu".
Trống đánh xuôi, kèn thổi ngược
Điều dễ hiểu là "báo nhà" thường tập trung phản ánh các vấn đề của ngành, cập nhật các tin tức sâu, phục vụ cho đối tượng đặc trưng của ngành đó. Nhưng trước khi là một tờ báo ngành, đó đã phải là một tờ báo, nghĩa là phải đảm bảo tính khách quan tối thiểu.
Hàng ngày, độc giả vẫn thu thập được ở đâu đó những bài viết (trích dẫn hàng loạt thông tin khoa học không thể nghi ngờ) cảnh báo tác hại ghê gớm của thuốc lá đối với sức khỏe con người, gây tổn thất cho nền kinh tế. Trong khi đó, báo ngành vẫn ung dung ca ngợi một công ty thuốc lá: "Năm 2010, việc thực hiện chính sách chất lượng đã đạt kết quả tốt, chất lượng quản lý, chất lượng sản phẩm được nâng cao, uy tín, thương hiệu của công ty ngày càng được khẳng định trên thị trường trong nước và nước ngoài". (Báo công thương ngày 15/2/2011).
Thực tế, tìm trên các tờ báo kiểu này có không ít những bài ca ngợi thành tựu trong ngành, các doanh nghiệp làm ăn phát đạt, hay thậm chí tô hồng các "gương điển hình", chưa nói đến chuyện "làm một, biểu dương mười". Nhưng "lờ" đi các quy định pháp luật và các điều khoản cam kết quốc tế, để "trống đánh xuôi kèn thổi ngược" là điều chẳng dễ lọt qua mắt độc giả.
Theo công ước khung về Kiểm soát thuốc lá của tổ chức Y tế thế giới mà Việt Nam đã cam kết tham gia từ năm 2004, khuyến cáo luật "cấm triệt để quảng cáo và xúc tiến thương mại cho nhãn hiệu thuốc lá và tất cả các hình thức quảng bá thương hiệu".
Quy định 1315QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ Về việc phê duyệt Kế hoạch thực hiện Công ước khung về kiểm soát thuốc lá, trong mục "Các biện pháp về quảng cáo, khuyến mãi và tài trợ thuốc lá" cũng nêu rõ: "Thực hiện nghiêm quy định cấm mọi hình thức tài trợ trực tiếp hoặc gián tiếp của các đơn vị sản xuất, kinh doanh các sản phẩm thuốc lá cho các hoạt động hoặc các tổ chức, cá nhân với mục đích quảng cáo các sản phẩm thuốc lá hoặc tên tuổi hình ảnh các công ty thuốc lá".
Ảnh chụp bài viết trên báo Công thương số ra ngày 15/02/2011
Một ví dụ khác, hồi tháng 9/2010, báo Thanh Niên và đồng loạt nhiều tờ khác đưa tin về vụ truy thu và phạt thuế hàng trăm tỉ đồng đối với Công ty liên doanh thuốc lá BAT - Vinataba:
"Trên thực tế, Thanh tra của Cục Thuế Đồng Nai đã phát hiện công ty không đáp ứng các điều kiện trên. Thứ nhất, công ty không mua lại nguyên liệu thuốc lá trên cơ sở hợp đồng ký kết giữa DN với các hộ nông dân mà chủ yếu mua từ các công ty chuyên kinh doanh nguyên liệu thuốc lá trong nước. Thứ hai, công ty cũng không trực tiếp đào tạo, hỗ trợ và giúp nông dân trồng thuốc lá theo phương pháp hiện đại (chỉ có năm 2008 chi 2,7 tỉ đồng thực hiện chương trình đào tạo cho kỹ thuật viên và nông dân). Các hỗ trợ khác đều mang tính gián tiếp thông qua các công ty kinh doanh mua thuốc lá nguyên liệu." - (Thanh niên online 14/9/2010).
Trong khi chỉ một tháng trước đó, Báo Hà Nội mới - cơ quan ngôn luận của UBND Hà Nội lại có bài viết: "Trồng cây phủ xanh là một chương trình dài hạn của Công ty Liên doanh Thuốc lá BAT - Vinataba. Tính đến nay, tổng số cây trồng phủ xanh do Công ty Liên doanh Thuốc lá BAT - Vinataba tài trợ cho các tỉnh Tây Ninh, Đồng Nai, Gia Lai, Cao Bằng và Lạng Sơn lên đến hơn 22,5 triệu cây giống, trị giá khoảng 7,8 tỷ đồng." (Hà Nội mới online, 11/8/2010)
Xin không bàn về tính đúng sai của các con số, vì cũng chưa thấy có những tuyên bố chính thức nào về hiệu quả của các chương trình cộng đồng mà các công ty này thực hiện. Nhưng có hai điểm đáng quan tâm là:
Thứ nhất, việc làm nổi bật các hoạt động cộng đồng của các công ty này là trái với tinh thần của công ước khung FCTC về Kiểm soát thuốc lá của tổ chức Y tế thế giới.
Thứ hai, việc xây dựng hình ảnh các công ty này là trực tiếp mang đến người đọc cảm quan tốt về các công ty và gián tiếp khuyến khích họ hút thuốc.
Cả hai điều trên đều là nên tránh đối với một cơ quan truyền thông.
"Tin nguội"
Theo WHO, thuốc lá đang là một trong những nguyên nhân hàng đấu dẫn đến tử vong tại Việt Nam, khoảng 40.000 người chết mỗi năm. Và con số này ước tính sẽ tăng lên thành 70.000 người/năm vào năm 2030. (So với số người chết do tai nạn giao thông là 11 ngàn người, theo thống kê năm 2009 của Ủy ban ATGT).
Nhưng những cảnh tượng hãi hùng trong các bản tin về tai nạn giao thông thường gây sốc và thu hút chú ý của đông đảo độc giả, còn những cái chết hàng ngày trong các bệnh viện lớn, những người nằm đếm lùi từng giờ sống trên giường bệnh, và rất nhiều người đang chịu đựng căn bệnh ung thư do đã và đang hút thuốc lá, hoặc do bị hít phải khói thuốc lá thường xuyên tại nơi làm việc và tại nhà thì không mấy được cảnh báo.
Thuốc lá đang là một trong những nguyên nhân hàng đấu dẫn đến tử vong tại Việt Nam. Ảnh minh họa
Ngặt nỗi, báo chí không thích "tin nguội". Cứ mỗi ngày tại Việt Nam trung bình có hơn 100 người chết vì thuốc lá - con số lớn đấy, nhưng vì nó vẫn diễn ra thường xuyên nên dần dần cũng... không còn là tin tức nữa.
Trong nhiều nghiên cứu về tình hình sử dụng thuốc lá ở Việt Nam, không ít chuyên gia trên thế giới đã nhận định: các nhà chức trách Việt Nam thường chú tâm nhiều đến việc giải quyết tình hình tai nạn giao thông hơn, mà chưa phản ánh đúng mức đến những người đã và đang chết lặng lẽ, đau đớn do các bệnh liên quan đến thuốc lá.
Đúng là có một sự thực những người bệnh đang chết "lặng lẽ, đau đớn". Nhưng cũng còn một sự thực khác là nền công nghiệp thuốc lá thì lại đang "phát triển" và nỗ lực "khẳng định uy tín, thương hiệu
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét