Thứ Sáu, 11 tháng 2, 2011
Anh: Sự kính trọng và yêu mến!
Tô Hải: Chuyện bây giờ mới kể
Năm 1997, cuộc khủng khoảng tài chính Châu Á bắt đầu từ Thái Lan lan rộng ra nhiều nước trong khu vực. Khi ấy, với mức độ hội nhập còn thấp Việt Nam chỉ bị tác động gián tiếp, với độ trễ, chủ yếu về dòng vốn đầu tư nước ngoài. Theo dõi các biến chuyển của kinh tế thế giới qua các phương tiện thông tin đại chúng, một sinh viên vừa tốt nghiệp đại học băn khoăn với nhiều câu hỏi: Thị trường tài chính là gì? Tại sao những nhà đầu cơ có thể trục lợi hàng tỷ đô trong vài ngày? Tại sao họ có thể khuynh đảo cả một nền kinh tế như Thái Lan? Hay tấn công cả một thị trường tài chính lớn như Hồng Kông, gây ra sự mất ổn đinh về chính trị tại Indonesia? Dù trước đó đã học nhiều môn về tài chính và kinh tế học trên giảng đường nhưng anh vẫn không tìm được câu trả lời…
Duyên nợ và những bài học đầu tiên
Sinh viên đó là Tô Hải. Tốt nghiệp Đại học Bách khoa TP.HCM chuyên ngành Quản lý Công nghiệp năm 1997, anh về công tác trong ngành Bưu chính Viễn thông. Cùng lúc đó, cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ diễn ra với một loạt những ảnh hưởng vĩ mô nghiêm trọng như sự mất giá tiền tệ, sự sụp đổ thị trường chứng khoán của nhiều quốc gia trong khu vực. Điều này làm anh băn khoăn và rất muốn tìm hiểu sâu hơn về ngành Tài chính - Tiền Tệ - Chứng khoán. Tình cờ lúc đó, một người bạn du học rủ anh đi cùng. Sẵn có ý định, anh đồng ý ngay.
Cuối năm 1998, Tô Hải đã có mặt ở Úc và đăng ký học chương trình thạc sĩ về Tài chính mặc dù ở thời điểm đó, anh hoàn toàn không nghĩ rằng, sau này học xong về nước, anh có thể làm chứng khoán. Lúc đó tại Việt Nam, đề án phát triển thị trường vẫn chỉ trên giấy. Để hiểu biết thêm về thực tế, với số tiền nhỏ tiết kiệm được, anh mở tài khoản và giao dịch chứng khoán thử nghiệm với suy nghĩ “Trăm nghe không bằng một thấy”. May mắn cho anh là thời gian này, dot.com đang bùng nổ ở những nước phát triển và ứng dụng của internet vào chứng khoán và ngân hàng giúp cho nhà đầu tư rất dễ dàng tiếp cận nhiều sản phẩm tài chính khác nhau. Điều này đã giúp anh học hỏi được khá nhiều.
Ban đầu mọi chuyện khá dễ dàng. Tô Hải thắng nhiều hơn thua khiến anh tự tin. Ngoài giờ học, khi rảnh, anh vào internet tìm kiếm thông tin hay tới công ty chứng khoán gặp broker để trao đổi, hỏi han. Anh mua bán chứng khoán liên tục nhưng giao dịch vẫn chủ yếu dựa trên các yếu tố cơ bản như chỉ số P/E thấp, tốc độ tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp cao, cổ phiếu thanh khoản tốt… Khi hỏi về một kỷ niệm đáng nhớ, anh kể lần mua cổ phiếu Noni B- một công ty thời trang của Úc. Khi Noni B đấu giá lần đầu ra công chúng Tô Hải tham gia với niềm tin chắc nịch rằng sẽ lãi khi uớc tính P/E của Công ty này ở mức 9 lần, thấp hơn nhiều so với mức trung bình 14 lần của thị trường. Tuy nhiên, chỉ 4 tuần sau đó anh choáng váng khi cổ phiếu Noni- B rơi tự do 30% ngay trong phiên chào sàn! Một bài học được rút ra từ thương vụ Noni- B và nhiều sai lầm tương tự sau này: Nếu quyết định đầu tư theo trường phái giá trị thì phải biết chờ đợi, thời gian mới tạo ra lợi nhuận thực sự.
Cũng trong thời gian này, năm 1999, tiến trình cổ phần hóa ở Việt Nam bắt đầu được đẩy mạnh. Tô Hải bắt đầu hy vọng rằng, những điều anh đang học có thể ứng dụng cho công việc của mình sau này. Đặc biệt, khi anh tiếp xúc với một đoàn cán bộ thuộc Ủy ban chứng khoán Nhà nước sang Úc thăm quan và học tập. Thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ sớm mở cửa, thời gian chỉ còn tính bằng tháng. Chuyển động này trong nước càng thôi thúc anh nung nấu quyết tâm hơn khi đăng ký học chuyên ngành Chứng khoán.
Vào thời điểm đó, các sàn chứng khoán thế giới đều đang sung sức gầm lên tiếng kêu của “con bò tót”. Tô Hải lãi khoảng 3.000 $A và gửi về nước, nhờ một người bạn đi mua cổ phiếu Đồ hộp Hạ long (CAN) và Đá Hoá An (DHA) - mỗi công ty 10 triệu mệnh giá để thêm vào “danh mục đầu tư chứng khoán” ở Việt Nam của anh vốn chỉ có cổ phiếu Công ty Bảo hiểm Bưu điện (PTI) mà anh mua từ khi mới ra trường. Có vẻ đây là quyết định may mắn vì 6 tháng sau, bong bóng dot.com bất ngờ vỡ vụn, thị trường chứng khoán Úc không ngoại lệ sụp đổ vào đầu năm 2000. Anh mất phần lớn trong số tiền 20.000 $A dành dụm. Một kinh nghiệm nữa anh rút ra sau khi bình tâm nhìn lại những trải nghiệm dot.com: Những người giao dịch chứng khoán hàng ngày (day-trading) không dễ chiến thắng được thị trường.
Tổng kết lại các khoản đầu tư chứng khoán của Tô Hải ở đất nước Kangaroo kết thúc với thất bại nặng nề, anh mất 75% vốn liếng. Bù lại, anh nhận được kiến thức, kinh nghiệm thực tế và quan trọng nhất là xác định ra con đường sẽ phải đi, tương lai, chắc chắn anh sẽ gắn bó với nghề này ở Việt Nam!
Tìm một lối đi riêng
Khi về nước, TTCK Việt Nam đã khai trương được vài tháng, Tô Hải đầu quân cho Công ty chứng khoán Bảo Việt ở vị trí chuyên viên phân tích.. Thời điểm đó, các NĐT trong nước đang hưng phấn cao độ, không chỉ vài mã trên sàn niêm yết chính thức mà các cổ phiếu trên thị trường OTC cũng được nhà đầu tư “truy sát” ráo riết. Nhưng Tô Hải đầu tư lặng lẽ theo cách riêng mình, anh không mua cổ phiếu trên sàn do thấy yếu tố đầu cơ đã đẩy giá cổ phiếu quá cao mà quan tâm đến các đợt IPO của các công ty nhà nước cổ phần hóa. Đối tượng nhắm tới là công ty đang làm ăn hiệu quả, có tài sản lớn, cổ phiếu có giá khởi điểm sát với giá trị sổ sách để đầu tư lâu dài chứ ít khi lướt sóng và rất chọn lọc. Nhưng vào mùa hè năm 2001, niềm hứng khởi của các nhà đầu tư Việt Nam bất ngờ vụt tắt, bong bóng chứng khoán Việt Nam vỡ vụn không khác dot.com mà anh đã chứng kiến 1 năm trước ở Úc là bao. Cuộc diễn tập khi đi du học đã giúp anh may mắn không mắc phải sai lầm mà hầu hết các nhà đầu tư nội địa phải trả giá đắt. Khi ở nước ngoài Tô Hải là nạn nhân còn lần này trên quê hương mình anh là người quan sát.
Có lẽ Tô Hải là một trong những người đầu tiên ở Việt Nam nghiêm túc nghĩ đến chuyện thâu tóm một công ty cổ phần. Rất ít người biết anh và một vài người bạn đã từng sở hữu lúc cao nhất tới 40% vốn tại một công ty cổ phần thương mại ở TP. HCM bằng cách tham gia mua IPO và túc tắc mua cổ phần vào dần dần. Anh tính toán đơn giản, trong số tài sản của công ty này chỉ riêng giá trị lợi thế một miếng đất ở một vị trí đắc địa tại quận I đã có giá trị gấp vài lần vốn hóa công ty. Với loại công ty có tài sản ngầm này, Tô Hải tự tin đầu tư lâu dài. Khi biết cá nhân anh sở hữu một số lượng lớn cổ phần của công ty, Ban lãnh đạo công ty đã hết sức ngạc nhiên và bất ngờ, nhưng sau đó, họ đã mời anh tham gia vào Hội đồng quản trị khi hiểu rằng anh thật sự mong muốn công ty tăng trưởng và phát triển. Tuy nhiên, theo anh đây cũng không phải là một thương vụ đầu tư thành công hoàn toàn. Do mải mê với yếu tố giá trị anh quên mất đến yếu tố tăng trưởng, khi Công ty khai thác hết các lợi thế như đất đai, thì lợi nhuận bão hòa - Anh có thêm một kinh nghiệm mới.
Trung thành với quan điểm đầu tư giá trị nhưng khi hỏi anh về khoản đầu tư cá nhân có tỷ suất sinh lời cao nhất của anh là gì, Tô Hải kể đó lại là khoản đầu tư hoàn toàn tình cờ và may mắn. Năm 2005, khi thị trường chứng khoán vẫn đang ngủ đông và ít người quan tâm đến đấu giá cổ phần, có một công ty trong ngành công nghiệp cổ phần hóa và IPO, với nguy cơ cuộc đấu giá không thành công do ít người tham gia, ban lãnh đạo công ty đã nhờ anh hỗ trợ bằng cách tham gia mua 50 triệu mệnh giá. Sau đó, bận rộn, anh cũng quên bẵng chẳng nhớ. Đến năm 2007, thị trường chứng khoán khởi sắc, doanh nghiệp này có lợi nhuận đột biến, nhiều nhóm đầu cơ mua gom cổ phiếu của công ty này trước khi niêm yết, khi họ hỏi đến, anh mới nhớ lại chuyện cũ. Vậy là sau hai năm giờ khoản đầu tư vài chục triệu bất đắc dĩ giờ đã thu được tiền tỷ... Kể lại câu chuyện này, Tô Hải cười bảo đó là chỉ là sự may mắn vì cổ phiếu này sau khi chào sàn một thời gian đã rơi tự do, có lúc chỉ còn bằng 3% so với giá tham chiếu lúc niêm yết.
Nhờ vốn kiến thức tài chính, kinh nghiệm thực tế, tầm nhìn rộng và khả năng bao quát vấn đề, Tô Hải thăng tiến khá nhanh. Năm 2002, anh chuyển sang CTCK Đông Á với vị trí Trưởng phòng Tư vấn. Cuối năm 2003, anh về lại CTCK Bảo Việt và được bổ nhiệm chức danh Phó Tổng Giám đốc kiêm Giám đốc chi nhánh TP. HCM. Năm 2007, chấp nhận thử thách mới, anh và một vài người bạn thành lập CTCK Bản Việt, bắt đầu gầy dựng mọi thứ từ con số 0. Anh làm Thành viên Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc của Chứng khoán Bản Việt cho đến nay.
Trải nghiệm nhiều vị trí ở nhiều CTCK, ở đâu, Tô Hải cũng tạo dấu ấn về lối suy nghĩ độc lập và định hướng riêng. Chẳng hạn như hiện nay các CTCK đều chú trọng mảng tự doanh và môi giới, nhưng Chứng khoán Bản Việt thì tập trung phát triển thế mạnh mũi nhọn là tư vấn, đặc biệt đi đầu trong lĩnh vực M&A. Tự doanh của Công ty phần lớn là các khoản đầu tư giá trị, nếu có trading trên sàn thì chỉ chọn những cơ hội tốt như khi cổ phiếu trên thị trường giảm rất sâu, thấp hơn giá trị thực như hồi tháng 2/2009. Về mảng môi giới, với ý tưởng riêng của anh được chia sẻ và ủng hộ của các thành viên Hội đồng quản trị, Chứng khoán Bản Việt phát triển chậm mà chắc, đồng đều giữa khách hàng cá nhân và tổ chức, không tính chuyện mở rộng thị phần bằng cách cung cấp các gói đòn bẩy tài chính mà thấy trước rủi ro và hiệu quả không cao. Chính sự thận trọng và hướng phát triển riêng này mà Chứng khoán Bản Việt luôn tạo ra lợi nhuận ổn định, cân đối, năm sau cao hơn năm trước, kể cả lúc thị trường khó khăn như năm 2008 hay 2010. Giờ đây, sau 3 năm phát triển, Chứng khoán Bản Việt đã xác lập được uy tín và vị thế vững chắc trên thị trường.
Năm 2010 là cũng năm đặc biệt với Tô Hải, anh được bình chọn là “Doanh nhân Sài Gòn tiêu biểu 2010” và đồng thời là 1 trong 10 ”Doanh nhân trẻ xuất sắc của TP. HCM năm 2010”. Dù vậy, anh không muốn đề cập nhiều về sự thành công, khi nói chuyện với người viết, anh kể nhiều về các thất bại trong quá khứ với với triết lý “khả năng học hỏi mỗi khi mắc sai lầm, đó mới là yếu tố quan trọng nhất”
Tô Hải chia sẻ: “Năm 2010, CTCK Bản Việt (VCSC) đã vươn lên nhóm các CTCK dẫn dầu thị trường về hoạt động môi giới và giao dịch trái phiếu. VCSC cũng đã tư vấn thành công cho một số dự án có quy mô tầm cỡ khu vực và các thương vụ mua bán và sáp nhập điển hình. Hoạt động nghiên cứu phân tích cũng được xếp nhóm 3 CTCK có báo cáo phân tích tốt nhất. Với thành công và uy tín có được, VCSC tiếp tục sẽ tập trung đầu tư để duy trì vị thế của mình và đẩy mạnh phát triển các hoạt động trong năm 2011.
Trong những năm qua, VCSC đã đầu tư rất nhiều cho cơ sở hạ tầng, công nghệ thông tin, đa dạng hóa sản phẩm và nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng. Do đó, chúng tôi thực sự kỳ vọng năm tới sẽ có sự tăng trưởng vượt bậc về hoạt động môi giới chứng khoán, tư vấn tài chính doanh nghiệp và dịch vụ ngân hàng đầu tư khác. Đặc biệt là thu hút sự quan tâm hơn nữa của khách hàng, nhà đầu tư, tạo đà cho sự phát triển lâu dài của VCSC trong các lĩnh vực hoạt động mà VCSC đang thực hiện”.
Bonus: