Fiachra MacCana: “Danh dự nhà phân tích quan trọng hơn tiền bạc”!
Ở Sài Gòn có một tiệm ăn khá đặc biệt, "ngôi nhà Việt Nam có một tiệm ăn bên trong"- quán Tuấn&Tú trên đường Trần Cao Vân. Không sai chút nào khi bạn bấm chuông để hồi hộp bước qua cánh cửa gỗ: Một khoảng sân rộng xòe bóng một cây mận đang mùa, một hàng hiên và bàn ghế rộng, đơn giản. Thi thoảng, Tuấn&Tú vẫn đón một thực khách ngoại quốc vẫn thích thú thưởng thức các món ăn sành điệu như một người Bắc giữa đất phương Nam. Ông là Fiachra Mac Cana, Giám đốc điều hành, Trưởng bộ phận phân tích CTCK HSC. “Tôi thích món ăn Việt Nam đặc biệt là món Bắc và Huế”, ông nói bằng tiếng Việt giải thích với tôi về thú vui rất đời thường này trên hàng hiên yên tĩnh của quán…
Mac Cana có bề ngoài bệ vệ và lịch lãm. Một phần trong ông có dòng máu Hoàng gia Iceland. Thoáng qua chuyên gia của HSC có vẻ hơi khó gần. Nhưng khi biết gợi lên câu chuyện thú vị, đã vào mạch, ông nói chuyện rất hào hứng, cởi mở. 19 năm làm việc trong ngành tài chính rèn luyện cho Mac Cana khả năng hùng biện, lối diễn đạt ngắn gọn, đi thẳng vào vấn đề đủ thuyết phục được người khó tính nhất.
Chưa bao giờ các bản tin hàng ngày, hàng tuần của các CTCK lại đa dạng như hiện nay. Nhiều về số lượng nhưng đơn điệu về cách thể hiện. Nhưng với bản tin của HSC, Fiachra Mac Cana tạo ra sự khác biệt. Ông hay ví von và minh họa ý tưởng của mình bằng những hình ảnh sống động. Không ít lần người đọc phải ngạc nhiên thích thú với cách ông so sánh. “VN Index như một cỗ xe lao dốc, trượt xuống dưới càng lúc càng nhanh. Cỗ xe sẽ chạy chậm lại khi gặp chướng ngại còn trạng thái rơi tự do của thị trường hiện nay sẽ chậm dần khi các NĐT lớn bắt đầu ra tay. Chúng tôi cho rằng, NĐT cần theo dõi kỹ đà rơi của VN Index vài phiên sắp tới để có thể mua vào” ông viết như vậy trong một phiên VN Index trải qua nhiều phiên giảm mạnh. Khi đó, nhiều NĐT nhỏ bắt đầu mất phương hướng. Một lần khác, vào đầu năm 2010, đánh giá xu hướng thị trường chuyển dịch thận trọng theo các yếu tố vĩ mô, chuyên gia của HSC dự báo: “trạng thái của thị trường sẽ xoay chiều nhưng có lẽ sẽ như con tàu chở dầu giữa biển khơi, chậm chạp nhưng chắc chắn”. Sự tinh tế trong hình ảnh và mềm mại về câu chữ làm bản tin không còn khô cứng như các ấn phẩm cùng loại.
“Hàng ngày tôi không nhìn vào bảng điện để phân tích thị trường. Muốn biết thực sự những gì đang diễn ra trên thị trường cách tốt nhất là gọi điện đi các nơi”. Mac Cana chia sẻ với tôi về công việc phân tích. Chẳng hạn khi thị trường lưỡng lự về việc sửa đổi Thông tư 13 thì chuông điện thoại của cán bộ cao cấp Ngân hàng nhà nước chắc chắn sẽ đổ. Nếu thị trường chờ đợi tin tức chỉ số CPI hay công nợ của Vinashin thì người ở đầu dây bên kia sẽ là một các quan chức nhà nước. Khi NĐT bị ám ảnh bởi hoạt động gánh nặng giải chấp lẽ dĩ nhiên ông sẽ quay số của các môi giới. Tùy vào chủ đề nóng bỏng Mac Cana sẽ tập trung vào các đầu mối thông tin. Vì vậy, nếu tinh ý trong các bản tin của HSC người đọc luôn chắt lọc được các tin tức có chiều sâu được truyền tải một cách khéo léo. Đây là các thông tin “chìm” giải thích được cội nguồn biến động của thị trường. Chính điều này làm bản tin của HSC trở nên nặng ký.
Trước khi làm việc cho HSC, Mac Cana đã trải qua vị trí Giám đốc nghiên cứu của VinaCapital kiêm Giám đốc môi giới CTCK VinaSecurity (thuộc Tập đoàn VinaCapital). Xa hơn nữa ông có thời gian làm môi giới tại Luân Đôn và Giám đốc phân tích tại Tokyo. Tại Nhật, bên ngoài công việc chuyên môn Mac Cana còn là sáng lập viên kênh thông tin tài chính doanh nghiệp JCN Network- kênh thông tin tài chính hàng đầu Nhật Bản. Vào năm 2003 thậm chí Mac Cana được tạp chí Asia Money bình chọn là một trong 15 chuyên gia phân tích hàng đầu thị trường. Ông đạt thành tích này chỉ sau 1 năm làm việc tại đây.
Kinh nghiệm dày dạn trong lĩnh vực tài chính khiến chuyên gia của HSC bỏ lại sau lưng tất cả các áp lực để thực hiện công việc một cách chuyên nghiệp. Chẳng hạn Mac Cana nói rằng chưa bao giờ ngại đề cập đến xu hướng thị trường kể cả khi VN Index giảm mạnh. Quan niệm của ông rất đơn giản. Độc giả đọc bản tin của HSC là muốn tìm hiểu sự thật. Vì vậy, dù đằng cay thì sự thật vẫn cứ phải viết ra.
Môi trường phân tích tại TTCK Việt Nam chưa hoàn toàn chuyên nghiệp. Vì điều này NĐT hay hoài nghi các CTCK có các động cơ khác phía sau các nhận định thị trường. Nhưng chuyên gia của HSC quan niệm danh dự của nhà phân tích quan trọng hơn tiền bạc. Ông lý giải khi một nhà phân tích tạo lập được danh tiếng thì tiền bạc sẽ tự tìm đến, trung thành và lâu dài. Mac Cana đánh giá các doanh nghiệp Việt Nam đã cởi mở hơn trước đây nhưng nhà phân tích vẫn gặp nhiều khó khăn. Ông dẫn chứng, tại TTCK các TTCK phát triển, 70% thông tin nhà phân tích có thể tiếp cận được ở các nguồn chính thống, 30% còn lại phải tự tìm kiếm. Nhưng ở Việt Nam thứ tự đảo ngược. Đây là một thách thức cho các nhà phân tích chuyên nghiệp như ông.
Cũng đôi lần ông đã mắc lỗi chủ quan trong nhận định. Cuối tháng 7/2009 chuyên gia của HSC đã phải lên tiếng xin lỗi NĐT về nhận định thị trường có phần bi quan thái quá. Các bản tin vẫn được cung cấp hoàn toàn miễn phí. Bởi vậy, khi thông tin cung cấp chỉ dừng ở mức độ tham khảo CTCK không phải ràng buộc trách nhiệm về các khuyến nghị. Nhưng với ông thì khác, đã sai thì phải xin lỗi vì có thể nó liên quan đến chuyện tiền bạc của nhà đầu tư. Vì sự chuyên nghiệp, thẳng thắn này chuyên gia của HSC nhận thêm nhiều thiện cảm từ thị trường.
Johan Nyvene –“sếp lớn” tại HSC nhận xét rằng Mac Cana là người có một cá tính mạnh mẽ nhưng bộc trực và sáng suốt. Chẳng hạn trong mọi cuộc hội ý nội bộ ông là người luôn đưa ra nhiều ý kiến phản biện nhất về mọi vấn đề. Cá tính đó được thể hiện qua “sự cố” phân tích cách đây 2 năm. Khi đó báo cáo phân tích một mã cổ phiếu của HSC gặp phản ứng dữ dội từ lãnh đạo công ty này. Tuy nhiên sau khi hội ý nội bộ, Trưởng bộ phận phân tích bảo lưu quan điểm HSC không sai. Sai thì phải xin lỗi, không sai thì không cần xin lỗi! Đó mới là cá tính mạnh mẽ của Mac Cana.
Giám đốc một quỹ đầu tư kể rằng thủa sát cánh cùng ông ở VinaCapital anh đã rất ngỡ ngàng khi thấy “ông thầy” của mình có rất am tường về lịch sử. Thậm chí ông có thể kể chi tiết cuộc đời của các danh nhân như tướng Giáp, Trần Hưng Đạo, Trương Định... Và anh cũng rất bất ngờ khi phát hiện ra thú vui dung dị đời thường của “ông thầy” là nấu ăn. Nấu rất ngon là đằng khác. Mac Cana xác nhận điều này và khoe ngôi nhà nơi ông đang ở gần sân bay Tân Sơn Nhất chứa rất nhiều sách. Tất nhiên là sách ngoại văn. Sau công viêc, Mac Cana là người đam mê lịch sử mạnh mẽ. Về Việt Nam ông đọc chủ yếu qua các ấn phẩm tiếng Pháp. Chuyên gia của HSC nói rằng ông chọn một công việc ở Việt Nam một phần bị lịch sử hấp dẫn, một phần thích thú ẩm thực miền Bắc và món Huế. “Việt Nam có lịch sử đáng tự hào trong số các quốc gia Châu Á”, ông nói đơn giản.
Bỗng nhiên Mac Cana quay về với chủ đề chúng tôi đang dang dở. Nheo mắt láu lỉnh ông nhận xét nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang tiến hành trò chơi thông tin (information game) một cách khéo léo. Ông giải thích cổ đông luôn muốn gặp lãnh đạo công ty để trao đổi thông tin. Tuy nhiên các lãnh đạo chủ chốt không có thời gian hoặc không muốn gặp NĐT hàng ngày. Giải quyết vấn đề này, họ tuyển một nhân viên quan hệ công chúng, in trên danh thiếp một vị trí hữu danh vô thực trong Ban giám đốc. Cười thành tiếng, ông bình luận các cổ đông nhỏ sung sướng cứ như được ăn cơm với hoàng đế. Ai nói nhà phân tích chứng khoán như Mac khô khan hay người nước ngoài không nhận ra văn hóa ứng xử có phần “lắt léo” của người Việt?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét