Tô Hải: Chuyện bây giờ mới kể
Năm 1997, cuộc khủng khoảng tài chính Châu Á bắt đầu từ Thái Lan lan rộng ra nhiều nước trong khu vực. Khi ấy, với mức độ hội nhập còn thấp Việt Nam chỉ bị tác động gián tiếp, với độ trễ, chủ yếu về dòng vốn đầu tư nước ngoài. Theo dõi các biến chuyển của kinh tế thế giới qua các phương tiện thông tin đại chúng, một sinh viên vừa tốt nghiệp đại học băn khoăn với nhiều câu hỏi: Thị trường tài chính là gì? Tại sao những nhà đầu cơ có thể trục lợi hàng tỷ đô trong vài ngày? Tại sao họ có thể khuynh đảo cả một nền kinh tế như Thái Lan? Hay tấn công cả một thị trường tài chính lớn như Hồng Kông, gây ra sự mất ổn đinh về chính trị tại Indonesia? Dù trước đó đã học nhiều môn về tài chính và kinh tế học trên giảng đường nhưng anh vẫn không tìm được câu trả lời…
Duyên nợ và những bài học đầu tiên
Sinh viên đó là Tô Hải. Tốt nghiệp Đại học Bách khoa TP.HCM chuyên ngành Quản lý Công nghiệp năm 1997, anh về công tác trong ngành Bưu chính Viễn thông. Cùng lúc đó, cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ diễn ra với một loạt những ảnh hưởng vĩ mô nghiêm trọng như sự mất giá tiền tệ, sự sụp đổ thị trường chứng khoán của nhiều quốc gia trong khu vực. Điều này làm anh băn khoăn và rất muốn tìm hiểu sâu hơn về ngành Tài chính - Tiền Tệ - Chứng khoán. Tình cờ lúc đó, một người bạn du học rủ anh đi cùng. Sẵn có ý định, anh đồng ý ngay.
Cuối năm 1998, Tô Hải đã có mặt ở Úc và đăng ký học chương trình thạc sĩ về Tài chính mặc dù ở thời điểm đó, anh hoàn toàn không nghĩ rằng, sau này học xong về nước, anh có thể làm chứng khoán. Lúc đó tại Việt Nam, đề án phát triển thị trường vẫn chỉ trên giấy. Để hiểu biết thêm về thực tế, với số tiền nhỏ tiết kiệm được, anh mở tài khoản và giao dịch chứng khoán thử nghiệm với suy nghĩ “Trăm nghe không bằng một thấy”. May mắn cho anh là thời gian này, dot.com đang bùng nổ ở những nước phát triển và ứng dụng của internet vào chứng khoán và ngân hàng giúp cho nhà đầu tư rất dễ dàng tiếp cận nhiều sản phẩm tài chính khác nhau. Điều này đã giúp anh học hỏi được khá nhiều.
Ban đầu mọi chuyện khá dễ dàng. Tô Hải thắng nhiều hơn thua khiến anh tự tin. Ngoài giờ học, khi rảnh, anh vào internet tìm kiếm thông tin hay tới công ty chứng khoán gặp broker để trao đổi, hỏi han. Anh mua bán chứng khoán liên tục nhưng giao dịch vẫn chủ yếu dựa trên các yếu tố cơ bản như chỉ số P/E thấp, tốc độ tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp cao, cổ phiếu thanh khoản tốt… Khi hỏi về một kỷ niệm đáng nhớ, anh kể lần mua cổ phiếu Noni B- một công ty thời trang của Úc. Khi Noni B đấu giá lần đầu ra công chúng Tô Hải tham gia với niềm tin chắc nịch rằng sẽ lãi khi uớc tính P/E của Công ty này ở mức 9 lần, thấp hơn nhiều so với mức trung bình 14 lần của thị trường. Tuy nhiên, chỉ 4 tuần sau đó anh choáng váng khi cổ phiếu Noni- B rơi tự do 30% ngay trong phiên chào sàn! Một bài học được rút ra từ thương vụ Noni- B và nhiều sai lầm tương tự sau này: Nếu quyết định đầu tư theo trường phái giá trị thì phải biết chờ đợi, thời gian mới tạo ra lợi nhuận thực sự.
Cũng trong thời gian này, năm 1999, tiến trình cổ phần hóa ở Việt Nam bắt đầu được đẩy mạnh. Tô Hải bắt đầu hy vọng rằng, những điều anh đang học có thể ứng dụng cho công việc của mình sau này. Đặc biệt, khi anh tiếp xúc với một đoàn cán bộ thuộc Ủy ban chứng khoán Nhà nước sang Úc thăm quan và học tập. Thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ sớm mở cửa, thời gian chỉ còn tính bằng tháng. Chuyển động này trong nước càng thôi thúc anh nung nấu quyết tâm hơn khi đăng ký học chuyên ngành Chứng khoán.
Vào thời điểm đó, các sàn chứng khoán thế giới đều đang sung sức gầm lên tiếng kêu của “con bò tót”. Tô Hải lãi khoảng 3.000 $A và gửi về nước, nhờ một người bạn đi mua cổ phiếu Đồ hộp Hạ long (CAN) và Đá Hoá An (DHA) - mỗi công ty 10 triệu mệnh giá để thêm vào “danh mục đầu tư chứng khoán” ở Việt Nam của anh vốn chỉ có cổ phiếu Công ty Bảo hiểm Bưu điện (PTI) mà anh mua từ khi mới ra trường. Có vẻ đây là quyết định may mắn vì 6 tháng sau, bong bóng dot.com bất ngờ vỡ vụn, thị trường chứng khoán Úc không ngoại lệ sụp đổ vào đầu năm 2000. Anh mất phần lớn trong số tiền 20.000 $A dành dụm. Một kinh nghiệm nữa anh rút ra sau khi bình tâm nhìn lại những trải nghiệm dot.com: Những người giao dịch chứng khoán hàng ngày (day-trading) không dễ chiến thắng được thị trường.
Tổng kết lại các khoản đầu tư chứng khoán của Tô Hải ở đất nước Kangaroo kết thúc với thất bại nặng nề, anh mất 75% vốn liếng. Bù lại, anh nhận được kiến thức, kinh nghiệm thực tế và quan trọng nhất là xác định ra con đường sẽ phải đi, tương lai, chắc chắn anh sẽ gắn bó với nghề này ở Việt Nam!
Tìm một lối đi riêng
Khi về nước, TTCK Việt Nam đã khai trương được vài tháng, Tô Hải đầu quân cho Công ty chứng khoán Bảo Việt ở vị trí chuyên viên phân tích.. Thời điểm đó, các NĐT trong nước đang hưng phấn cao độ, không chỉ vài mã trên sàn niêm yết chính thức mà các cổ phiếu trên thị trường OTC cũng được nhà đầu tư “truy sát” ráo riết. Nhưng Tô Hải đầu tư lặng lẽ theo cách riêng mình, anh không mua cổ phiếu trên sàn do thấy yếu tố đầu cơ đã đẩy giá cổ phiếu quá cao mà quan tâm đến các đợt IPO của các công ty nhà nước cổ phần hóa. Đối tượng nhắm tới là công ty đang làm ăn hiệu quả, có tài sản lớn, cổ phiếu có giá khởi điểm sát với giá trị sổ sách để đầu tư lâu dài chứ ít khi lướt sóng và rất chọn lọc. Nhưng vào mùa hè năm 2001, niềm hứng khởi của các nhà đầu tư Việt Nam bất ngờ vụt tắt, bong bóng chứng khoán Việt Nam vỡ vụn không khác dot.com mà anh đã chứng kiến 1 năm trước ở Úc là bao. Cuộc diễn tập khi đi du học đã giúp anh may mắn không mắc phải sai lầm mà hầu hết các nhà đầu tư nội địa phải trả giá đắt. Khi ở nước ngoài Tô Hải là nạn nhân còn lần này trên quê hương mình anh là người quan sát.
Có lẽ Tô Hải là một trong những người đầu tiên ở Việt Nam nghiêm túc nghĩ đến chuyện thâu tóm một công ty cổ phần. Rất ít người biết anh và một vài người bạn đã từng sở hữu lúc cao nhất tới 40% vốn tại một công ty cổ phần thương mại ở TP. HCM bằng cách tham gia mua IPO và túc tắc mua cổ phần vào dần dần. Anh tính toán đơn giản, trong số tài sản của công ty này chỉ riêng giá trị lợi thế một miếng đất ở một vị trí đắc địa tại quận I đã có giá trị gấp vài lần vốn hóa công ty. Với loại công ty có tài sản ngầm này, Tô Hải tự tin đầu tư lâu dài. Khi biết cá nhân anh sở hữu một số lượng lớn cổ phần của công ty, Ban lãnh đạo công ty đã hết sức ngạc nhiên và bất ngờ, nhưng sau đó, họ đã mời anh tham gia vào Hội đồng quản trị khi hiểu rằng anh thật sự mong muốn công ty tăng trưởng và phát triển. Tuy nhiên, theo anh đây cũng không phải là một thương vụ đầu tư thành công hoàn toàn. Do mải mê với yếu tố giá trị anh quên mất đến yếu tố tăng trưởng, khi Công ty khai thác hết các lợi thế như đất đai, thì lợi nhuận bão hòa - Anh có thêm một kinh nghiệm mới.
Trung thành với quan điểm đầu tư giá trị nhưng khi hỏi anh về khoản đầu tư cá nhân có tỷ suất sinh lời cao nhất của anh là gì, Tô Hải kể đó lại là khoản đầu tư hoàn toàn tình cờ và may mắn. Năm 2005, khi thị trường chứng khoán vẫn đang ngủ đông và ít người quan tâm đến đấu giá cổ phần, có một công ty trong ngành công nghiệp cổ phần hóa và IPO, với nguy cơ cuộc đấu giá không thành công do ít người tham gia, ban lãnh đạo công ty đã nhờ anh hỗ trợ bằng cách tham gia mua 50 triệu mệnh giá. Sau đó, bận rộn, anh cũng quên bẵng chẳng nhớ. Đến năm 2007, thị trường chứng khoán khởi sắc, doanh nghiệp này có lợi nhuận đột biến, nhiều nhóm đầu cơ mua gom cổ phiếu của công ty này trước khi niêm yết, khi họ hỏi đến, anh mới nhớ lại chuyện cũ. Vậy là sau hai năm giờ khoản đầu tư vài chục triệu bất đắc dĩ giờ đã thu được tiền tỷ... Kể lại câu chuyện này, Tô Hải cười bảo đó là chỉ là sự may mắn vì cổ phiếu này sau khi chào sàn một thời gian đã rơi tự do, có lúc chỉ còn bằng 3% so với giá tham chiếu lúc niêm yết.
Nhờ vốn kiến thức tài chính, kinh nghiệm thực tế, tầm nhìn rộng và khả năng bao quát vấn đề, Tô Hải thăng tiến khá nhanh. Năm 2002, anh chuyển sang CTCK Đông Á với vị trí Trưởng phòng Tư vấn. Cuối năm 2003, anh về lại CTCK Bảo Việt và được bổ nhiệm chức danh Phó Tổng Giám đốc kiêm Giám đốc chi nhánh TP. HCM. Năm 2007, chấp nhận thử thách mới, anh và một vài người bạn thành lập CTCK Bản Việt, bắt đầu gầy dựng mọi thứ từ con số 0. Anh làm Thành viên Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc của Chứng khoán Bản Việt cho đến nay.
Trải nghiệm nhiều vị trí ở nhiều CTCK, ở đâu, Tô Hải cũng tạo dấu ấn về lối suy nghĩ độc lập và định hướng riêng. Chẳng hạn như hiện nay các CTCK đều chú trọng mảng tự doanh và môi giới, nhưng Chứng khoán Bản Việt thì tập trung phát triển thế mạnh mũi nhọn là tư vấn, đặc biệt đi đầu trong lĩnh vực M&A. Tự doanh của Công ty phần lớn là các khoản đầu tư giá trị, nếu có trading trên sàn thì chỉ chọn những cơ hội tốt như khi cổ phiếu trên thị trường giảm rất sâu, thấp hơn giá trị thực như hồi tháng 2/2009. Về mảng môi giới, với ý tưởng riêng của anh được chia sẻ và ủng hộ của các thành viên Hội đồng quản trị, Chứng khoán Bản Việt phát triển chậm mà chắc, đồng đều giữa khách hàng cá nhân và tổ chức, không tính chuyện mở rộng thị phần bằng cách cung cấp các gói đòn bẩy tài chính mà thấy trước rủi ro và hiệu quả không cao. Chính sự thận trọng và hướng phát triển riêng này mà Chứng khoán Bản Việt luôn tạo ra lợi nhuận ổn định, cân đối, năm sau cao hơn năm trước, kể cả lúc thị trường khó khăn như năm 2008 hay 2010. Giờ đây, sau 3 năm phát triển, Chứng khoán Bản Việt đã xác lập được uy tín và vị thế vững chắc trên thị trường.
Năm 2010 là cũng năm đặc biệt với Tô Hải, anh được bình chọn là “Doanh nhân Sài Gòn tiêu biểu 2010” và đồng thời là 1 trong 10 ”Doanh nhân trẻ xuất sắc của TP. HCM năm 2010”. Dù vậy, anh không muốn đề cập nhiều về sự thành công, khi nói chuyện với người viết, anh kể nhiều về các thất bại trong quá khứ với với triết lý “khả năng học hỏi mỗi khi mắc sai lầm, đó mới là yếu tố quan trọng nhất”
Tô Hải chia sẻ: “Năm 2010, CTCK Bản Việt (VCSC) đã vươn lên nhóm các CTCK dẫn dầu thị trường về hoạt động môi giới và giao dịch trái phiếu. VCSC cũng đã tư vấn thành công cho một số dự án có quy mô tầm cỡ khu vực và các thương vụ mua bán và sáp nhập điển hình. Hoạt động nghiên cứu phân tích cũng được xếp nhóm 3 CTCK có báo cáo phân tích tốt nhất. Với thành công và uy tín có được, VCSC tiếp tục sẽ tập trung đầu tư để duy trì vị thế của mình và đẩy mạnh phát triển các hoạt động trong năm 2011.
Trong những năm qua, VCSC đã đầu tư rất nhiều cho cơ sở hạ tầng, công nghệ thông tin, đa dạng hóa sản phẩm và nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng. Do đó, chúng tôi thực sự kỳ vọng năm tới sẽ có sự tăng trưởng vượt bậc về hoạt động môi giới chứng khoán, tư vấn tài chính doanh nghiệp và dịch vụ ngân hàng đầu tư khác. Đặc biệt là thu hút sự quan tâm hơn nữa của khách hàng, nhà đầu tư, tạo đà cho sự phát triển lâu dài của VCSC trong các lĩnh vực hoạt động mà VCSC đang thực hiện”.
Bonus:
Thứ Năm, 10 tháng 2, 2011
Một yếu nhân!
Nguyễn Thanh Phượng: “Tôi vẫn luôn lạc quan!”
Rất ít khi xuất hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng nhưng khi biết ĐTCK có ý định phỏng vấn Chị cho số báo Tết, Chị đã vui vẻ sắp xếp cho chúng tôi một cuộc hẹn ngay khi bay về từ Malaysia, khoảng thời gian trống hiếm hoi trong lịch làm việc dày đặc. Tới tòa nhà Centec Tower trên đường Nguyễn Thị Minh Khai (Q.3), nơi Công ty Quản lý quỹ Bản Việt (VCAM) đặt văn phòng chính, thú thật chúng tôi vẫn hơi băn khoăn với tin nhắn đã nhận: “Hẹn anh 4 giờ chiều tại quán cà phê tầng trệt nhé, để tiện ăn trưa luôn…” Chị đến muộn 15 phút với phân trần rằng “hôm nay nhiều việc hơn bình thường nên không có giờ ăn trưa, đói run tay nhưng vẫn cố gắng trả lời được gần 40 email…” Câu chuyện giữa chúng tôi đã bắt đầu như thế, thậm chí trước cả khi Chị gọi món…
Bữa trưa lúc 4 giờ chiều
Chị dùng bữa trưa vào lúc 4 giờ chiều. Một ngày của chị làm việc như thế nào?
Chỉ thỉnh thoảng mới thế này thôi (cười). Bình thường bắt đầu từ 7 giờ sáng và luôn cố gắng về đến nhà lúc 7 giờ tối. Mỗi ngày trung bình nhận khoảng 100 email, tôi cố gắng xử lý một nửa, như thế là tốt lắm rồi. Phần còn lại phải nhờ đến sự hỗ trợ từ thư ký. Hết công việc, về nhà tôi vẫn là người phụ nữ bình thường như bao người phụ nữ khác thôi, phải quán xuyến nhiều việc gia đình.
Ngoài công việc, gia đình, thú vui đời thường của Chị là gì?
Tôi yêu thích nhiều loại hình nghệ thuật, quan tâm nhiều về thời sự chính trị, xã hội. Tôi cũng chịu khó đi du lịch đó đây và đến nay đã đặt chân đến được gần 40 quốc gia. Lúc rảnh, ngoài những thú thư giản rất “phụ nữ” như tập gym, đi spa, shopping, ngồi café…, tôi thích vẽ tranh. Thời gian gần đây, tôi nghiên cứu nhiều về Phật giáo và gần như bị mê hoặc bởi Phật giáo Mật-tông ở Tây Tạng và ở những lãnh thổ thuộc dãy Hymalaya hùng vĩ. Tôi tìm hiểu sâu về Phật pháp trong cuộc sống, những loại hình nghệ thuật của Mật-tông đa dạng, đầy màu sắc và huyền bí.
Câu chuyện quản lý quỹ
Giữa vị trí Chủ tịch HĐQT một CTCK và một Công ty QLQ, chị thấy cương vị nào nhiều thách thức hơn?
Cả CTCK và Công ty QLQ quỹ đều thuộc loại hình cung cấp các sản phẩm dịch vụ tài chính cho khách hàng và nhà đầu tư. Là lãnh đạo công ty, bên cạnh việc thực hiện và chịu trách nhiệm đầy đủ theo đúng phân công chức vụ, tôi còn phải luôn kịp thời xử lý những vấn đề khó khăn hay một yếu tố bất lợi nào đó xảy ra bất ngờ. Khi đã xuất hiện vấn đề cần trực tiếp lãnh đạo phải giải quyết thì ở đâu cũng thách thức cả.
Chị có thể nói cụ thể hơn?
Bản chất hoạt động của CTCK mang tính cạnh tranh trực tiếp trên thị trường rất cao và bộ máy nhân sự cũng nhiều hơn. Hiện tại có hơn 100 CTCK đang hoạt động; vì vậy, việc định hình được chiến lược cạnh tranh sẽ rất áp lực. Tổ chức để CTCK triển khai 4 mảng chức năng chính hoạt động đồng bộ, đều có đóng góp hợp lý vào doanh thu chung của công ty là việc không dễ dàng. Chưa kể các nghiệp vụ đều có sự hỗ trợ lẫn nhau, chỉ cần một dịch vụ kém phát triển thì sẽ gây khó khăn cho những dịch vụ khác ngay.
Còn trong hoạt động quản lý quỹ, các quỹ đầu tư huy động trong nước thì thu nhập từ việc tính phí quản lý và phí thành công của quỹ vẫn dựa trên giá trị tài sản ròng (NAV) và được tính trên cơ sở giá giao dich của cổ phiếu chính thức trên thị trường. Nhưng nếu quỹ đầu tư vào doanh nghiệp tư nhân chưa niêm yết (private equity) hoặc cổ phiếu của công ty chưa có giao dịch chính thức thì NAV của quỹ sẽ không thay đổi trong một thời gian khá dài. Còn nữa, TTCK Việt Nam luôn biến động rất mạnh. Sự điều chỉnh giá cổ phiếu không dựa hoàn toàn trên các yếu tố cơ bản từ doanh nghiệp mà bị chi phối rất lớn từ cung cầu và tâm lý trong từng thời điểm . . . Nhà đầu tư VN cũng có những kỳ vọng và yêu cầu rất cao và …rất Việt Nam; vì vậy, những áp lực quản lý các quỹ đầu tư của người VN cũng không hề đơn giản.
Nói vậy thôi nhưng tôi nghĩ mình vẫn đang làm tốt vị trí của mình và vẫn luôn lạc quan.
Còn các quỹ đầu tư nước ngoài hoạt động tại Việt Nam thì sao?
Chứng chỉ quỹ của nhiều quỹ đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đang được niêm yết tại nhiều sàn giao dịch chứng khoán quốc tế. Hiện nhiều chứng chỉ quỹ bị chiết khấu rất lớn. Điều này có nguyên do từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và cả câu chuyện vĩ mô khá riêng của Việt Nam. Các nhà đầu tư ở những quỹ này thay đổi từng ngày, và họ cũng có những chiến lược riêng khác nhau khi quyết định mua và bán. Mức chiết khấu này tạo áp lực lớn lên chính hoạt động của quỹ tại VN, ngay cả khi NAV của quỹ tăng trưởng tốt, giá chứng chĩ quỹ giao dịch vẫn giảm. Thực tế này đã kéo dài 2 năm nay, đó cũng là một trong nhưng nguyên nhân làm cho việc huy động nhưng quỹ đầu tư mới vào VN gặp nhiều khó khăn.
Các nhà đầu tư nước ngoài mà Chị tiếp xúc nhìn nhận cơ hội tại TTCK Việt Nam sắp tới ra sao?
Mới đây tôi đã gặp nhiều NĐT dù chưa đặt chân tới VN nhưng họ vẫn xem đây là quốc gia có tên trong danh sách để nghiên cứu. Các nhà đầu tư xem xét, phân tích cơ hội ở VN dựa trên một số yếu tố cơ bản và nhìn chung họ có sự đánh giá tích cực dựa trên ba điểm chính. Thứ nhất, VN có vị thế, đặc điểm vị trí tự nhiên, cơ cấu dân số thuận lợi và hệ thống chính trị mang tính kế thừa cao nên ổn định. Thứ hai, kinh tế VN đang tăng trưởng cao nhưng trên nền quy mô nhỏ vì vậy nên cơ hội tiếp tục duy trì tăng trưởng còn rất cao trong thời gian dài. Thứ ba, VN tuy hội nhập vào kinh tế thế giới chưa lâu nhưng có khả năng “xoay sở” khá tốt và ngày càng tốt hơn khi đối mặt với khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Mặc dù VN cần phải tích cực giải quyết nhiều vấn đề bất cập nhưng về lâu dài, họ vẫn đặt niềm tin vào triển vọng phát triển bền vững của VN.
Dòng vốn nóng hay được được nhắc đến gần đây. Quan điểm của Chị về dòng vốn này thế nào, nên hay không nên vào VN nhiều?
Nhiều quốc gia khác cũng có mối quan tâm tương tự. Cũng có nhiều phân tích, bình luận nên hay không nên tiếp nhận dòng vốn này. Cá nhân tôi suy nghĩ khi hội nhập bất cứ thị trường nào cũng không tránh khỏi dòng vốn nóng quốc tế. Khác chăng chỉ ở số lượng. Vốn nóng bản chất không cố định, luôn chảy vào chảy ra liên tục từng thời điểm và luôn gắn với chiến lược đầu tư vào các thị trường biến động mạnh. Và TTCK VN là một thị trường như thế!
Những dự định năm 2011
Hoạt động của VCAM có gì mới trong năm tới?
Với các quỹ đang hoạt động, VCAM sẽ có một số thay đổi mang tính chiến lược. Chúng tôi sẽ điều chỉnh lại chiến lược phân bố tài sản của các danh mục. Chẳng hạn, Quỹ đầu tư vào Y tế trước đây quỹ chủ yếu tập trung vào các cổ phiếu ngành dược phẩm, nhưng sắp tới sẽ chuyển hướng mạnh sang các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực y tế có dòng tiền tốt như phòng khám, bệnh viện chuyên ngành, phân phối dược phẩm và thiết bị y tế,…. VCAM sẽ tập trung hơn đến phát triển nghiệp vụ quản lý danh mục đầu tư. Trong diều kiện hiện tại, tôi nghĩ loại hình này triển khai có hiệu quả và dễ dàng hơn là việc lập quỹ đầu tư mới.
Năm 2011, VCAM cũng sẽ chuyển hướng đầu tư mạnh private equity theo hướng chuyên ngành. Cụ thể vừa qua, VCAM đã tìm được một số đồng thuận của một số NĐT tổ chức trong và ngoài nước muốn nhắm tới các lĩnh vực đầu tư tài chính sinh lợi, nhưng lại mang tính xã hội rất cao. Sắp tới đây, VCAM tập trung phát triển dự án này với phân khúc sản phẩm giáo dục chất lượng trung và cao cấp. Những dự án này không chỉ tiềm năng về hiệu quả tài chính mà còn góp phần tạo thêm nhiều sự lựa chọn những sản phẩm giáo dục có chật lượng cho xã hội.
Giữa cuộc trò chuyện của chúng tôi, nhiều lần chuông điện thoại của Chị rung lên. Nhưng duy nhất chỉ một lần chị bắt máy. Chị phân trần rằng chị không muốn ôm đồm quá nhiều nhưng việc cứ đến. Mới đây, sau khi được nghe một vị Rinpoche ở Bhutan của dòng Drukpa (một trong những dòng truyền thừa lớn thuộc Phật Giáo Mật Tông và là quốc giáo của Vương quốc Bhutan) thuyết giảng về Hạnh phúc và Khổ đau trong cuộc sống, Chị dường như cảm giác rằng bản thân mình, và cả số đông mọi người xung quanh, đang sống quá nhanh, quá hối hả đến mức chẵng mấy khi có thời gian cho những cảm nhận của chính mình với cuộc sống và cuộc đời. Dù vậy, Chị cho rằng đó là phân công của xã hội dành cho mình, trách nhiệm công việc mình phải làm cùng với nhiều người để duy trì một tổ chức nếu không muốn bị đào thải. Đó cũng là trách nhiệm của người lãnh đạo đối với khách hàng, cổ đông, nhân viên, và với cả chính bản thân mình!
Người bạn cũ!
Mạc Quang Huy: “Sau nhiều trải nghiệm người ta muốn hướng về nguồn cội”
Hai năm trước, khi các đám mây đen của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đang lan rộng tôi vô tình “gặp lại” Mạc Quang Huy trong một bài viết rất hay lý giải sự sụp đổ của Ngân hàng đầu tư Lehman Brothers. Nói là gặp lại bởi lẽ tôi và anh đã sống cùng khu tập thể cả thời bao cấp trước khi gia đình Huy chuyển đi. Cuối năm 2010 tôi lại nghe phong thanh anh đã về nước và gia nhập đội ngũ lãnh đạo của Công ty CP Chứng khoán Thăng Long (TLS). Lần tái ngộ này bên cạnh các thăm hỏi sau nhiều năm xa cách tôi lại được nghe anh chia sẻ về câu chuyện chứng khoán- Góc nhìn của một người đã có trải nghiệm tại nhiều TTCK phát triển.
- Trong bài “Cái chết của Lehman dưới góc nhìn của người trong cuộc” anh có viết rằng “bài học lớn nhất là chiến lược kinh doanh cùng quản trị rủi ro”. Điều này có ý nghĩa như thế nào với thị trường tài chính hiện nay với vấn đề của các CTCK và hệ thống ngân hàng?
Tôi nghĩ bài học về quản trị rủi ro luôn có tính thời sự trong mọi lĩnh vực, đặc biệt là trong lĩnh vực tài chính, chứng khoán. Nói đơn giản, tự thân đây đã là những ngành kinh doanh rủi ro. So với thế giới, hiện tại, thị trường tài chính Việt Nam mới chỉ ở giai đoạn sơ khai, các sản phẩm tài chính được cung cấp mới dừng ở mức độ đơn giản. Tuy nhiên trong những năm gần đây thị trường tài chính Việt Nam phát triển khá nhanh. Vì vậy, các ngân hàng và các công ty chứng khoán trong nước ngày càng phải đối mặt với các rủi ro kinh doanh lớn hơn. Đây là nguy cơ đến từ sự phát triển khi khả năng quản lý, quản trị có thể chưa theo kịp tốc độ tăng trưởng và sự mở rộng.
Ví von thế này trên đường Sài Gòn đông đúc anh lái xe Matiz,. Chiếc Ferrari 458 của người bên cạnh không di chuyển nhanh hơn bạn là bao. Tuy nhiên, đã ra xa lộ nếu muốn nhấn ga để đạt tốc độ cực đại 325 km/h như chiếc Ferrari 458 thì chắc chắn bạn sẽ gặp tai nạn. Chiếc Matiz không thích hợp việc di chuyển nhanh như vậy trên đường cao tốc. Đi đường trường trên xa lộ, nếu muốn đạt tốc độ trung bình, ít nhất bạn cần nâng cấp chiếc Matiz thành chiếc Daewoo Lacetti. (Cười)
- Vấn đề nổi cộm của TTCK Việt Nam năm qua là tình trạng thao túng giá cổ phiếu, từng “cận cảnh” các trung tâm tài chính lớn. Anh đánh giá thế nào về sự minh bạch của TTCK Việt Nam hiện nay?
Dù đã bước sang tuổi lên 10 nhưng TTCK Việt Nam vẫn mang đặc trưng cố hữu của các thị trường mới nổi. Đó là sự hấp dẫn song hành với nhiều rủi ro. Một trong những lý do khiến mức độ rủi ro ở TTCK Việt Nam cao là tính minh bạch thông tin còn thấp. Nguyên ngân của hiện tượng này phần lớn nằm trong nhận thức chưa cao của các doanh nghiệp. Bên cạnh đó TTCK Việt Nam chưa thực sự tưởng thưởng xứng đáng cho các doanh nghiệp cố gắng duy trì và tôn vinh tính minh bạch. Ở thái cực đối lập, thị trường cũng chưa có hành động quyết liệt như tẩy chay đối với các doanh nghiệp vi phạm điều này.
- Anh đánh giá thực trạng này xuất phát từ đâu?
Thực tế này có liên quan đến hạn chế về khung pháp lý cũng như khả năng thực thi pháp luật của cơ quan quản lý. Một phần cũng do ý thức chung của của các nhà đầu tư cá nhân tham gia thị trường với tâm lý đầu tư “đám đông”. Nếu các nhà đầu tư thể hiện yêu cầu minh bạch thông tin bằng hành động cụ thể (thái độ đầu tư đối với từng mã chứng khoán hay sản phẩm đầu tư) thì chắc chắn các doanh nghiệp sẽ buộc phải thay đổi. Chúng ta đều biết khi người tiêu dùng Việt Nam quay mặt lại với các sản phẩm của Vedan thì đó là lúc công ty này bắt buộc phải xuống thang và sửa chữa sai lầm của mình đối với hành vi phá hoại môi trường. Hành động này nên được phát huy trên thị trường chứng khoán.
- Thị trường hiện nay phần đông là các NĐT cá nhân và hoạt động đầu cơ ngắn hạn thống lĩnh. Có mơ mộng quá không khi chúng ta kêu gọi họ có “hành động trách nhiệm”?
TTCK không thể thiếu hoạt động đầu cơ, vấn đề là cơ chế điều tiết cho sự đầu cơ ấy. Hiện nay khung pháp lý và việc thực thi pháp luật chưa theo kịp thực tế thị trường nên nhà đầu tư đang có các phản ứng thay thế. Điều này rất bình thường. Tuy nhiên muốn thu hút dòng vốn đầu tư dài hạn thì bên cạnh việc xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm còn phải tưởng thưởng tôn vinh sự minh bạch. Nhà đầu tư nhỏ cảm thấy được bảo vệ, bình đẳng thì họ mới an tâm đầu tư, nếu không thị trường chỉ có hoạt động đầu cơ ngắn hạn, chốt lời. Thay vì việc kêu gọi hãy hành động và trách nhiệm này, theo tôi trước hết thuộc về các cơ quan quản lý và chính các doanh nghiệp.
Với sự ra đời gần đây của Nghị định 85/2010/ND-CP (về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán) tăng nặng khung phạt cũng như quyết tâm của các cơ quan chức năng thể hiện qua các vụ việc Dược Viễn Đông, tôi tin tính minh bạch trên thị trường chứng khoán sẽ được cải thiện dần trong thời gian tới.
Ngoài ra, các cơ quan chức năng cũng cần tiếp tục hoàn thiện các khung pháp lý bảo vệ nhà đầu tư như cơ chế báo cáo tập trung vào chất lượng thông tin, hoàn thiện chuẩn mực kế toán, thi hành triệt để yêu cầu soát xét báo cáo tài, cơ chế giám sát các hành vi thao túng và làm giá cổ phiếu, v.v… Một điều cũng khá quan trọng mà nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm là sự minh bạch về định hướng chính sách vĩ mô. Họ cần các thông điệp nhất quán từ Chính phủ để có thể dự đoán chính sách và điều chỉnh chiến lược đầu tư phù hợp.
- Sự trồi sụt của thị trường chứng khoán Việt Nam thời gian qua được lý giải từ các nguyên nhân vĩ mô. Theo anh có còn lý do nào khác?
Theo tôi sự bùng nổ phát triển nhanh trong giai đoạn 2006-2007 nhưng thiếu định hướng bài bản là một trong những nguyên nhân khiến thị trường chứng khoán Việt Nam đang phát triển thiếu bền vững. Điều này đã bộc lộ thời gian qua. Đơn cử với CTCK, sau phong trào cấp phép thành lập CTCK vài năm trước đây thì hậu quả bây giờ là gì? Hiện nay có 105 công ty chứng khoán cạnh tranh khốc liệt trong một thị trường chưa đủ lớn. Điều này sẽ là một khó khăn cản trở các công ty chứng khoán đầu tư bài bản và hướng tới sự phát triển chuyên nghiệp. Ngoài ra, sự trồi sụt của TTCK Việt Nam cũng một phần có lý do từ việc lực lượng nhà đầu tư tổ chức còn đang “quá mỏng”, chưa đóng vai trò điều tiết, bệ đỡ cho thị trường.
- Theo anh làm thế nào để phát triển lực lượng nhà đầu tư chuyên nghiêp?
Không có câu chuyện thần kỳ chỉ trong ngày một, ngày hai. Thu hút, phát triển các định chế tài chính lớn là một câu chuyện dài dựa trên các yếu tố cả chủ quan lẫn khách quan. Chẳng hạn đối với các định chế tài chính quốc tế lớn thì quy mô của TTCK Việt Nam hiện tại còn quá nhỏ để dành được sự quan tâm. Việc thu hút vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài thông qua các quỹ đầu tư hiện tại đang bị chững lại. Tuy nhiên nếu kinh tế Việt Nam duy trì được tốc độ tăng trưởng cao nhiều năm liền sức hấp dẫn sẽ đến, vị thế này có thể thay đổi.
Về mặt chủ quan, để xây dựng thu hút các định chế tài chính lớn và chuyên nghiệp trong nước, Chính phủ và Ủy ban Chứng khoán cần thúc đẩy phát triển quy mô của thị trường thông qua việc tăng cường cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước lớn, đưa ra nhiều sản phẩm mới phù hợp với từng giai đoạn phát triển của thị trường.
Với lộ trình mở của ngành chứng khoán theo cam kết WTO vào năm 2012 sẽ tạo ra một sân chơi lớn cho các ngân hàng đầu tư quốc tế. Đây là một điều kiện thuận lợi để các ngân hàng quốc tế mang các khách hàng tổ chức của họ đến Việt Nam và tôi tin các công ty chứng khoán trong nước cũng sẽ được hưởng lợi từ việc học tập, hợp tác nhiều hơn so với các áp lực cạnh tranh trực tiếp có thể đến từ các ngân hàng đầu tư quốc tế
- Một câu hỏi riêng tư. Từng làm việc cho các định chế tài chính lớn như Lehman Brothers, Nomura (Australia) và Công ty kiểm toán KPMG (Anh). Điều gì khiến anh quyết định quay về Việt Nam lập nghiệp?
Đây là một câu hỏi thú vị mà nhiều bạn bè dành cho tôi. Tuy nhiên, đối với tôi, câu trả lời không thực sự khó. Xét về cuộc sống gia đình, bạn bè, cuộc sống ở Việt Nam thú vị và có ý nghĩa hơn rất nhiều. Khi trẻ tuổi, chúng ta thường muốn bay nhảy và trải nghiệm ở các vùng đất xa xôi, điều đó là hết sức cần thiết cho cuộc sống. Tuy nhiên, sau quá trình trải nghiệm đó, con người thường hướng về nguồn cội, về quê hương nơi có gia đình và bạn bè.
Xét về sự nghiệp, tôi cho rằng cơ hội phát triển ở Việt Nam rất tốt, đặc biệt khi chúng ta ngày càng thu hút sự quan tâm của giới đầu tư quốc tế. Trước khi về Việt Nam, tôi có chủ định thử sức tại một doanh nghiệp trong nước. Tôi hy vọng có thể chia sẻ, áp dụng các kiến thức và kinh nghiệm tích lũy được trong 14 năm qua tại các tổ chức tư vấn và tài chính lớn trên toàn cầu vào thực tế Việt Nam. Tại Công ty CP Chứng khoán Thăng Long (TLS), tôi đã tìm được một công việc ưng ý. Và đến nay, tôi cảm thấy hài lòng về quyết định của mình.
Fiachra Mac Cana
Fiachra MacCana: “Danh dự nhà phân tích quan trọng hơn tiền bạc”!
Ở Sài Gòn có một tiệm ăn khá đặc biệt, "ngôi nhà Việt Nam có một tiệm ăn bên trong"- quán Tuấn&Tú trên đường Trần Cao Vân. Không sai chút nào khi bạn bấm chuông để hồi hộp bước qua cánh cửa gỗ: Một khoảng sân rộng xòe bóng một cây mận đang mùa, một hàng hiên và bàn ghế rộng, đơn giản. Thi thoảng, Tuấn&Tú vẫn đón một thực khách ngoại quốc vẫn thích thú thưởng thức các món ăn sành điệu như một người Bắc giữa đất phương Nam. Ông là Fiachra Mac Cana, Giám đốc điều hành, Trưởng bộ phận phân tích CTCK HSC. “Tôi thích món ăn Việt Nam đặc biệt là món Bắc và Huế”, ông nói bằng tiếng Việt giải thích với tôi về thú vui rất đời thường này trên hàng hiên yên tĩnh của quán…
Mac Cana có bề ngoài bệ vệ và lịch lãm. Một phần trong ông có dòng máu Hoàng gia Iceland. Thoáng qua chuyên gia của HSC có vẻ hơi khó gần. Nhưng khi biết gợi lên câu chuyện thú vị, đã vào mạch, ông nói chuyện rất hào hứng, cởi mở. 19 năm làm việc trong ngành tài chính rèn luyện cho Mac Cana khả năng hùng biện, lối diễn đạt ngắn gọn, đi thẳng vào vấn đề đủ thuyết phục được người khó tính nhất.
Chưa bao giờ các bản tin hàng ngày, hàng tuần của các CTCK lại đa dạng như hiện nay. Nhiều về số lượng nhưng đơn điệu về cách thể hiện. Nhưng với bản tin của HSC, Fiachra Mac Cana tạo ra sự khác biệt. Ông hay ví von và minh họa ý tưởng của mình bằng những hình ảnh sống động. Không ít lần người đọc phải ngạc nhiên thích thú với cách ông so sánh. “VN Index như một cỗ xe lao dốc, trượt xuống dưới càng lúc càng nhanh. Cỗ xe sẽ chạy chậm lại khi gặp chướng ngại còn trạng thái rơi tự do của thị trường hiện nay sẽ chậm dần khi các NĐT lớn bắt đầu ra tay. Chúng tôi cho rằng, NĐT cần theo dõi kỹ đà rơi của VN Index vài phiên sắp tới để có thể mua vào” ông viết như vậy trong một phiên VN Index trải qua nhiều phiên giảm mạnh. Khi đó, nhiều NĐT nhỏ bắt đầu mất phương hướng. Một lần khác, vào đầu năm 2010, đánh giá xu hướng thị trường chuyển dịch thận trọng theo các yếu tố vĩ mô, chuyên gia của HSC dự báo: “trạng thái của thị trường sẽ xoay chiều nhưng có lẽ sẽ như con tàu chở dầu giữa biển khơi, chậm chạp nhưng chắc chắn”. Sự tinh tế trong hình ảnh và mềm mại về câu chữ làm bản tin không còn khô cứng như các ấn phẩm cùng loại.
“Hàng ngày tôi không nhìn vào bảng điện để phân tích thị trường. Muốn biết thực sự những gì đang diễn ra trên thị trường cách tốt nhất là gọi điện đi các nơi”. Mac Cana chia sẻ với tôi về công việc phân tích. Chẳng hạn khi thị trường lưỡng lự về việc sửa đổi Thông tư 13 thì chuông điện thoại của cán bộ cao cấp Ngân hàng nhà nước chắc chắn sẽ đổ. Nếu thị trường chờ đợi tin tức chỉ số CPI hay công nợ của Vinashin thì người ở đầu dây bên kia sẽ là một các quan chức nhà nước. Khi NĐT bị ám ảnh bởi hoạt động gánh nặng giải chấp lẽ dĩ nhiên ông sẽ quay số của các môi giới. Tùy vào chủ đề nóng bỏng Mac Cana sẽ tập trung vào các đầu mối thông tin. Vì vậy, nếu tinh ý trong các bản tin của HSC người đọc luôn chắt lọc được các tin tức có chiều sâu được truyền tải một cách khéo léo. Đây là các thông tin “chìm” giải thích được cội nguồn biến động của thị trường. Chính điều này làm bản tin của HSC trở nên nặng ký.
Trước khi làm việc cho HSC, Mac Cana đã trải qua vị trí Giám đốc nghiên cứu của VinaCapital kiêm Giám đốc môi giới CTCK VinaSecurity (thuộc Tập đoàn VinaCapital). Xa hơn nữa ông có thời gian làm môi giới tại Luân Đôn và Giám đốc phân tích tại Tokyo. Tại Nhật, bên ngoài công việc chuyên môn Mac Cana còn là sáng lập viên kênh thông tin tài chính doanh nghiệp JCN Network- kênh thông tin tài chính hàng đầu Nhật Bản. Vào năm 2003 thậm chí Mac Cana được tạp chí Asia Money bình chọn là một trong 15 chuyên gia phân tích hàng đầu thị trường. Ông đạt thành tích này chỉ sau 1 năm làm việc tại đây.
Kinh nghiệm dày dạn trong lĩnh vực tài chính khiến chuyên gia của HSC bỏ lại sau lưng tất cả các áp lực để thực hiện công việc một cách chuyên nghiệp. Chẳng hạn Mac Cana nói rằng chưa bao giờ ngại đề cập đến xu hướng thị trường kể cả khi VN Index giảm mạnh. Quan niệm của ông rất đơn giản. Độc giả đọc bản tin của HSC là muốn tìm hiểu sự thật. Vì vậy, dù đằng cay thì sự thật vẫn cứ phải viết ra.
Môi trường phân tích tại TTCK Việt Nam chưa hoàn toàn chuyên nghiệp. Vì điều này NĐT hay hoài nghi các CTCK có các động cơ khác phía sau các nhận định thị trường. Nhưng chuyên gia của HSC quan niệm danh dự của nhà phân tích quan trọng hơn tiền bạc. Ông lý giải khi một nhà phân tích tạo lập được danh tiếng thì tiền bạc sẽ tự tìm đến, trung thành và lâu dài. Mac Cana đánh giá các doanh nghiệp Việt Nam đã cởi mở hơn trước đây nhưng nhà phân tích vẫn gặp nhiều khó khăn. Ông dẫn chứng, tại TTCK các TTCK phát triển, 70% thông tin nhà phân tích có thể tiếp cận được ở các nguồn chính thống, 30% còn lại phải tự tìm kiếm. Nhưng ở Việt Nam thứ tự đảo ngược. Đây là một thách thức cho các nhà phân tích chuyên nghiệp như ông.
Cũng đôi lần ông đã mắc lỗi chủ quan trong nhận định. Cuối tháng 7/2009 chuyên gia của HSC đã phải lên tiếng xin lỗi NĐT về nhận định thị trường có phần bi quan thái quá. Các bản tin vẫn được cung cấp hoàn toàn miễn phí. Bởi vậy, khi thông tin cung cấp chỉ dừng ở mức độ tham khảo CTCK không phải ràng buộc trách nhiệm về các khuyến nghị. Nhưng với ông thì khác, đã sai thì phải xin lỗi vì có thể nó liên quan đến chuyện tiền bạc của nhà đầu tư. Vì sự chuyên nghiệp, thẳng thắn này chuyên gia của HSC nhận thêm nhiều thiện cảm từ thị trường.
Johan Nyvene –“sếp lớn” tại HSC nhận xét rằng Mac Cana là người có một cá tính mạnh mẽ nhưng bộc trực và sáng suốt. Chẳng hạn trong mọi cuộc hội ý nội bộ ông là người luôn đưa ra nhiều ý kiến phản biện nhất về mọi vấn đề. Cá tính đó được thể hiện qua “sự cố” phân tích cách đây 2 năm. Khi đó báo cáo phân tích một mã cổ phiếu của HSC gặp phản ứng dữ dội từ lãnh đạo công ty này. Tuy nhiên sau khi hội ý nội bộ, Trưởng bộ phận phân tích bảo lưu quan điểm HSC không sai. Sai thì phải xin lỗi, không sai thì không cần xin lỗi! Đó mới là cá tính mạnh mẽ của Mac Cana.
Giám đốc một quỹ đầu tư kể rằng thủa sát cánh cùng ông ở VinaCapital anh đã rất ngỡ ngàng khi thấy “ông thầy” của mình có rất am tường về lịch sử. Thậm chí ông có thể kể chi tiết cuộc đời của các danh nhân như tướng Giáp, Trần Hưng Đạo, Trương Định... Và anh cũng rất bất ngờ khi phát hiện ra thú vui dung dị đời thường của “ông thầy” là nấu ăn. Nấu rất ngon là đằng khác. Mac Cana xác nhận điều này và khoe ngôi nhà nơi ông đang ở gần sân bay Tân Sơn Nhất chứa rất nhiều sách. Tất nhiên là sách ngoại văn. Sau công viêc, Mac Cana là người đam mê lịch sử mạnh mẽ. Về Việt Nam ông đọc chủ yếu qua các ấn phẩm tiếng Pháp. Chuyên gia của HSC nói rằng ông chọn một công việc ở Việt Nam một phần bị lịch sử hấp dẫn, một phần thích thú ẩm thực miền Bắc và món Huế. “Việt Nam có lịch sử đáng tự hào trong số các quốc gia Châu Á”, ông nói đơn giản.
Bỗng nhiên Mac Cana quay về với chủ đề chúng tôi đang dang dở. Nheo mắt láu lỉnh ông nhận xét nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang tiến hành trò chơi thông tin (information game) một cách khéo léo. Ông giải thích cổ đông luôn muốn gặp lãnh đạo công ty để trao đổi thông tin. Tuy nhiên các lãnh đạo chủ chốt không có thời gian hoặc không muốn gặp NĐT hàng ngày. Giải quyết vấn đề này, họ tuyển một nhân viên quan hệ công chúng, in trên danh thiếp một vị trí hữu danh vô thực trong Ban giám đốc. Cười thành tiếng, ông bình luận các cổ đông nhỏ sung sướng cứ như được ăn cơm với hoàng đế. Ai nói nhà phân tích chứng khoán như Mac khô khan hay người nước ngoài không nhận ra văn hóa ứng xử có phần “lắt léo” của người Việt?